Trang chủ

18/6/15

Thực phẩm hữu cơ Organica được lên báo Thế giới tiếp thị


Trong chuyên đề về rau sạch đăng trên báo Thế giới Tiếp thị ra ngày 12-6 vừa qua có đăng câu chuyện của thực phẩm hữu cơ ORGANICA. Chúng tôi xin đăng lại đây để mọi người tham khảo.

Kinh doanh rau sạch, cuộc chơi dài hơi


[142479]IMG_2789__1_
Để có những chứng nhận tiêu chuẩn toàn cầu như GlobalGAP hay organic (hữu cơ) ở Việt Nam không dễ dàng và rất tốn kém, có chứng nhận rồi hàng năm phải trả một số tiền khá lớn cho các dịch vụ kiểm tra, duy trì… Điều này thể hiện rõ qua số lượng các công ty đạt chứng nhận trồng rau hữu cơ, GlobalGAP ở Việt Nam chỉ đếm đầu ngón tay. Điều đó làm cho giá thành rau sạch cao so với rau thông thường. Nhà đầu tư phải có sức đeo đuổi lâu dài.
Từ việc vất vả tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch để nuôi con nhỏ, chị Phạm Phương Thảo (34 tuổi, TP.HCM) đã quyết tâm khởi nghiệp trong ngành thực phẩm hữu cơ còn mới mẻ tại Việt Nam và bắt đầu bằng việc làm nông dân.
Chị tâm sự, hiện trang trại trồng rau hữu cơ rộng 1,8ha của mình ở Long Thành (Đồng Nai) đang trong quá trình đánh giá và cấp chứng nhận quốc tế (EU), chị cũng đã mở hai cửa hàng thực phẩm hữu cơ mang thương hiệu Organica tại quận 3 và quận Phú Nhuận TP.HCM, để cung cấp sản phẩm vườn nhà cho khách hàng.
Không chỉ sạch ở cách trồng
Hơn một năm nay, Thảo cùng với ông xã thường xuyên lui tới ruộng rau để vừa học, vừa kiểm tra giám sát quy trình trồng rau hữu cơ. Trang trại đang trồng các loại cây họ đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành, đậu phộng); các loại củ gia vị như hành, tỏi, gừng, nghệ để hướng đến lấy chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn của châu Âu. Theo Thảo, việc lấy chứng nhận này rất khắt khe và một mình cô không thể tự làm được mà phải thuê công ty tư vấn để họ theo sát, tư vấn các tiêu chuẩn cần đáp ứng, tiến độ thực hiện dự án nay đã đạt 80%.
Trên thị trường TP.HCM, ngoài Organica, hiện có thêm một vài đơn vị bán rau có chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của các tổ chức quốc tế (Mỹ hoặc EU) cấp. Loại rau này, muốn đạt được tiêu chuẩn tạm gọi là rau sạch, trước hết, các yếu tố về đất, nước tưới, nước sinh hoạt tại trang trại là điều kiện then chốt. Chị Thảo cho biết ngay khi bắt đầu làm vườn cô đã phải lấy mẫu mang lên các trung tâm ở TP.HCM phân tích. Cũng may là miếng đất cô đang trồng rau hữu cơ trước đây là một trại gà, và bỏ hoang mười năm nên về cơ bản môi trường khá… sạch. Môi trường xung quanh vườn cũng là tiêu chí quan trọng trong đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, vì nếu xung quanh là những vườn đang canh tác sử dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu hoá học… thì cũng khó làm được.
Tóm lại, để đáp ứng các tiêu chí hữu cơ quốc tế thì việc canh tác theo quy trình hữu cơ là một chuyện, chuyện còn lại là điều kiện cần đáp ứng như đất, nước, môi trường… phải được thiết lập ngay từ đầu, nếu không sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý, cải tạo.
Đầu tư cho tương lai
Hai cửa hàng Organica ở quận 3 và quận Phú Nhuận, TP.HCM của Thảo đang bán các loại rau quả từ vườn Long Thành. Chị tiết lộ trong lúc chờ để tiếp tục các điều kiện đạt chứng nhận, cô vẫn thường xuyên đưa các loại rau quả vào phòng lab đạt chuẩn của châu Âu để phân tích xem có các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoá học hay phân bón hoá học; hay có chứa tồn dư các kim loại nặng… hay không.
Ngoài dự án ở Long Thành, Thảo còn liên kết với một trang trại trồng rau tại Quảng Ninh để nhập hàng về bán. Đây là trang trại đã có được chứng nhận organic của châu Âu và USDA từ năm ngoái. Khó khăn của Thảo là hiện tại Việt Nam chưa có cơ quan nào hướng dẫn và chứng nhận hữu cơ cho nông dân. Riêng với rau củ quả, các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày thì để có được chứng nhận từ các tổ chức uy tín trên phải tốn kém khá nhiều và cần thời gian theo quá trình chứng nhận, thường mất ít nhất khoảng hai năm. Do đó, các sản phẩm canh tác hữu cơ vẫn còn dựa nhiều vào tự nhiên, nên sẽ có những sản phẩm theo mùa, lúc có, lúc không. Nếu mở rộng được mô hình liên kết thì có thể sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách.
“Đầu ra vẫn còn khó khăn vì chưa có nhiều người tiêu dùng thật sự biết đến và quan tâm đến thực phẩm hữu cơ, nên vẫn còn nhiều việc phải làm cho các trang trại nếu tính về mặt kinh tế”, Thảo tâm sự. Dù vậy, Phạm Phương Thảo vẫn lạc quan và tự tin vào tương lai. Organica hiện có mạng lưới hơn 200 khách hàng thân thiết thường xuyên. Đây là tài sản quý giá nhất mà Organica gầy dựng được thời gian qua.
Ông Bá Hùng, chủ trang trại hữu cơ Organik (Đà Lạt) cho hay, làm nông nghiệp hữu cơ rất cực vì không được dùng các chất hoá học trong quá trình canh tác. Để lấy được chứng nhận hữu cơ của các tổ chức quốc tế như USDA (Mỹ), Ecocert (EU)… rất khó khăn vì ngoài tuân thủ quy trình canh tác thì đất đai, nguồn nước và cả môi trường xung quanh trang trại phải thực sự sạch. Ngoài việc thuê đơn vị tư vấn nước ngoài làm theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm sạch còn tiến hành thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc của sản phẩm mình bán ra. Khi quy trình này hoàn thành, khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để quét mã trên sản phẩm là biết sản phẩm được trồng ở đâu, tiêu chuẩn gì, ngày thu hoạch, đóng gói…
Minh Khoa
Thực phẩm hữu cơ Organica là đơn vị đầu tư và phát triển các loại thực phẩm hữu cơ tại VN từ trang trại đến phân phối, bán lẻ và nâng cao nhận thức người tiêu dùng về thực phẩm hữu cơ. Chúng tôi cam kết đem đến cho khách hàng những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho sức khỏe. 
Mời bạn ghé thăm cửa hàng trực tuyến của chúng tôi tại địa chỉ: www.thucphamhuuco.vn hoặc showroom ở:
  
   -Quận 3: 130 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6. Tel: 08.66733350
   -Quận Phú Nhuận: 54 Hoàng Văn Thụ, Phường 9. Tel: 08.66850532
   -Hotline-Bán hàng: 0932153535 -  0938400044
   -Email: shophuuco@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét