Trang chủ

23/8/13

Hãy giữ gìn gạo Việt

Hội trường buổi hội thảo “Nâng tầm giá trị hạt gạo VN” do báo SGTT tổ chức sáng 13-8 đã không còn một chỗ trống, đa phần người đến dự là các bà nội trợ. Một trong những khách mời là ông Phan Văn Hòa, người đã lai tạo ra giống lúa tím. Sau nhiều năm nghiên cứu, người cựu chiến binh này đã tạo ra được giống lúa Vĩnh Hòa cho hạt gạo tím thơm dẻo. Không những vậy, sau khi phân tích, gạo tím Vĩnh Hòa còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, canxi, sắt, các loại vitamin và omega cao hơn hẳn gạo thường. Sau khi đã phát triển nhiều vùng trồng tại khu vực phía Bắc, ông Hòa lặn lội từ tận Nghệ An vào TP. HCM để có cơ hội giới thiệu với người tiêu dùng thành phố loại gạo độc đáo này cũng như tìm hướng hợp tác mở rộng vùng trồng giống lúa này ở phía Nam.
TS. BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM nói rằng, về giá trị dinh dưỡng, một chén cơm chứa 200 KCl cùng lượng đường, đạm đáng kể. Khi hạt gạo chưa xát kỹ quá còn có thêm vitamin nhóm B, kẽm sắt, càng đánh bóng kỹ thì gạo dẻo nhưng lượng dinh dưỡng không cao bằng gạo lứt. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách lai tạo giống mới, có giá trị dinh dưỡng cao, thậm chí có những vi chất cần thiết cho sức khỏe như sắt, vitamin hay Omega... như gạo tím Vĩnh Hòa vừa giới thiệu.
Hàng trăm bà nội trợ và khán giả tại hội thảo tỏ ra rất hào hứng và quan tâm đến loại gạo đặc biệt này. Tuy nhiên, bên cạnh sự hào hứng là những băn khoăn và lo lắng về chất lượng hạt gạo trong bữa cơm hàng ngày. Câu hỏi của bà Nguyễn Thị Xuân Thanh: “Người trồng lúa thường hay phun thuốc trừ sâu vậy lúa gạo tím này có phun thuốc trừ sâu hay không” được nhiều người vỗ tay chia sẻ. Tiếp đó là các câu hỏi về quy trình trồng, sử dụng phân bón gì… Hội trường ồ lên khi có câu hỏi: “Tôi nghe nói có hóa chất làm gạo nở tới 5-10 lần không biết có đúng hay không?” hay những lời thì thào từ hàng ghế khán giả “Gạo tẩm hương hóa học nữa!”. Nỗi lo chất lượng gạo trở thành nỗi ám ảnh khi một bà nội trợ đặt câu hỏi: “Tôi ngâm gạo lứt 22 tiếng, sáng hôm sau thấy có nhiều bọt sủi lên, có phải là thuốc trừ sâu trong gạo tiết ra không?”.
Cũng may, chưa có thông tin chính thức nào cho thấy gạo VN mất an toàn. Nhưng phản ứng của người tiêu dùng cho thấy, liên tiếp những thông tin về các loại thực phẩm mất an toàn thời gian qua đã làm cho cuộc sống của người dân lo lắng không yên. Với họ, rau, thịt cá, bún, phở,… đã đành, nhưng bát cơm hàng ngày mà còn không an toàn là điều không thể chấp nhận được.
BS Minh Hạnh không trả lời trực tiếp mà khuyên người tiêu dùng nên mua gạo ở những cửa hàng có uy tín. Chia sẻ như một người nội trợ, bà Minh Hạnh nói rằng, hạt gạo có giá trị đặc biệt với người VN, ai đi xa nhà đều nhớ chén cơm. Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan cũng ăn cơm nhưng chế biến gạo thành nhiều sản phẩm thì VN là nhất. “Ngoài cơm còn phở, bánh tráng, gỏi cuốn… những món ăn khách quốc tế rất thích. Chỉ có điều mình chưa biết quảng bá”, bà Hạnh nói.


Chẳng nói đâu xa, đã nhiều năm qua, VN là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới nhưng gạo Việt có thương hiệu vươn ra thế giới lại hầu như không có. Ngay cả trong bữa ăn hàng ngày, nhiều người VN cũng phải ăn gạo Đài Loan, gạo Thái,… Để nâng tầm hạt gạo VN, đầu tiên hãy bắt đầu từ chất lượng, bắt đầu bằng suy nghĩ làm ra hạt gạo sạch cho dân mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét