Xu hướng kinh doanh thực phẩm hữu cơ đang ngày càng nở rộ, thu hút ngày càng nhiều khách hàng vì sản phẩm sản xuất không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…
Chị Phạm Phương Thảo, Giám đốc hệ thống thực phẩm hữu cơ Organica, cho biết hiện nay chị đang tất bật chuẩn bị ra mắt cửa hàng thứ ba sau khi thành công với hai cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ tại quận 3 và quận 7, TP.HCM.
Nhu cầu ngày càng tăng
Chia sẻ với chúng tôi, chị Thảo tiết lộ ý tưởng kinh doanh thực phẩm hữu cơ Organica bắt đầu khi chị mang thai và rất thèm ăn rau sống nhưng không dám ăn vì sợ tồn dư hóa chất sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Sau khi sinh con được hơn một năm chị có dịp đi qua Lào, vô tình vào một hội chợ hữu cơ của người Lào. Ở đó họ bán chủ yếu là rau củ và gạo trồng theo phương thức hữu cơ, tức là không dùng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không chất kích thích tăng trưởng hay hóa chất bảo quản… “Trong khi ở nước ta liên tục xuất hiện các thông tin ngộ độc thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn vào siêu thị… Người tiêu dùng hoang mang khi đi ra chợ vì không biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Đó là lý do tôi quyết định mở cửa hàng thực phẩm hữu cơ” - chị Thảo kể.
Đầu tiên, Organica hợp tác với người dân trên Đà Lạt để trồng các loại rau ôn đới như cà chua, ớt chuông, các loại xà lách, su hào, củ cải đỏ... Organica cũng thuê 1,8 ha đất tại Long Thành, Đồng Nai để trồng các loại rau nhiệt đới như mồng tơi, rau đay, rau dền, các loại rau cải, bầu bí, rau thơm... Đối với trang trại hợp tác cùng nông dân thì Organica đầu tư tiền làm đất, mua hạt giống, phân bón hữu cơ và hỗ trợ kỹ thuật để người dân làm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra.
Thực phẩm hữu cơ dù giá cao vẫn thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng mua. Trong ảnh: Khách hàng tìm mua thực phẩm hữu cơ tại cửa hàng thực phẩm Organica. Ảnh: MINH LONG
Đến nay cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica đã bày bán trên 300 sản phẩm phục vụ bữa ăn gia đình của người tiêu dùng (các loại rau nhiệt đới, rau ôn đới, các loại thịt heo, gà, hải sản, các sản phẩm đóng gói…). Ngoài sản phẩm rau quả trồng trong nước thì Organica cũng bán các sản phẩm nhập khẩu có chứng nhận hữu cơ quốc tế từ Malaysia, Úc, Đức, Ấn Độ, Mỹ, Ý...
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thỏ Việt, cho biết hiện nay người tiêu dùng đã có ý thức rất cao trong việc sử dụng thực phẩm sạch. Rau hữu cơ của HTX hầu như theo đơn đặt hàng, giao trực tiếp.
Theo thống kê từ kênh bán của HTX Thỏ Việt, trong tám tháng năm 2014 nhu cầu tiêu dùng tăng đến 50% so với cùng kỳ năm 2013. Tất cả các loại rau hữu cơ được trồng theo quy trình không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc hóa học nên chất lượng rau hữu cơ khác hẳn các loại khác, ít trữ nước, chất xơ, các vitamin nhiều hơn rau thường.
Thị trường tiềm năng
Ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Công ty Organik ở Đà Lạt, có cửa hàng tại quận 2, TP.HCM, cho biết sức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tăng qua từng năm là 30%. Hiện tại cửa hàng ông có hơn 500 mặt hàng gia vị hữu cơ (như giấm hữu cơ), các loại rau củ quả. Ngoài việc bán sản phẩm thông qua cửa hàng này, công ty ông còn bán ở các khách sạn… Trước nhu cầu ngày càng cao, thời gian tới công ty sẽ mở rộng thêm các sản phẩm hữu cơ khác như trái cây, thức ăn em bé, đường hữu cơ…
Giá cao là yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc thu hút khách hàng vì nhiều người không sẵn sàng bỏ mức giá cao hơn để mua hàng dù sản phẩm an toàn hơn.
Theo thông tin từ chị Phạm Phương Thảo, tới đây Organica tiếp tục đầu tư vào các trang trại của mình để đa dạng hóa sản phẩm và giảm giá thành sản xuất, qua đó giảm giá bán để thu hút khách. Organica cũng sẽ liên kết với một số đối tác sản xuất hữu cơ để mở rộng quy mô sản xuất, mở thêm cửa hàng. Ngoài ra, Organica sẽ tập trung đầu tư cho thương hiệu và lấy các chứng nhận quốc tế về hữu cơ để khách hàng hoàn toàn yên tâm khi dùng sản phẩm của Organica.
Ông Lê Nguyễn Huy Tâm, một nhà phân phối, cho biết hiện công ty chỉ cung cấp mặt hàng thịt heo và thịt gà hữu cơ. Theo ông Tâm, ở Việt Nam có những mặt hàng gọi là hữu cơ nhưng không có cơ quan chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ thì cũng rất khó. Kế hoạch của doanh nghiệp trong thời gian tới là sẽ đầu tư xây dựng các trang trại rau quả đạt chứng nhận hữu cơ.
QUANG HUY - TÚ UYÊN
Cần chính sách hỗ trợ
Nông nghiệp hữu cơ là nền nông nghiệp mang tính lâu dài, vì nó không chỉ mang lại lợi ích cho người sử dụng mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho đất đai và con người. Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp hữu cơ, coi đây là một vấn đề quan trọng trong tương lai. Nếu về lâu dài có định hướng đúng đắn thì nông nghiệp hữu cơ sẽ rất phát triển.
Hiện nay trên thế giới đã có 130 nước canh tác theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 35,6 triệu ha, tổng doanh thu các sản phẩm hữu cơ trên toàn cầu đạt khoảng 55 tỉ USD.
Ông LÊ QUỐC PHONG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ phía Nam
Rau hữu cơ đắt hơn 3-5 lần rau thường vì tốn công và thời gian chăm sóc. Ngoài ra, việc thuê mặt bằng cũng chịu giá cao hơn vì phần lớn khách mua thực phẩm hữu cơ tập trung ở các quận trung tâm TP. Thời gian thu hoạch rau hữu cơ lâu, hơn 30 ngày mới được 1 kg trong khi rau thường chỉ hơn 10 ngày đã thu hoạch được 1 kg. Thực phẩm hữu cơ hoàn toàn sạch và an toàn, lại thơm ngon hơn hẳn so với thực phẩm thường.
Bà NGUYỄN THỊ ÁNH NGỌC, Chủ nhiệm HTX Thỏ Việt
|
Nguồn: Báo Pháp luật TP. HCM ra ngày 2908-2014. Link online: http://plo.vn/quan-ly-thi-truong/nguoi-dung-chuong-thuc-pham-huu-co-492644.html