Khởi nghiệp với Organica là một sự tình cờ nhiều hơn là dự định từ trước. Năm 2011, tôi cùng một số người bạn khi đó đang kinh doanh một nhà hàng trên đường Trần Quốc Thảo. Nhưng nhà hàng này là một thất bại nặng nề khi suốt từ lúc mở ra đến khi đóng cửa, tháng nào cũng lỗ. Không chỉ mất hết số vốn liếng tích góp từ trước, tôi còn gánh thêm một khoản nợ khá lớn cho thương vụ này.
Đó cũng là thời điểm tôi mang bầu con trai đầu lòng. Nếu như trước đó, nghe tin về “thực phẩm bẩn” trên báo chí tôi cũng hơi lo lắng rồi vài ngày sau cũng quen dần hay tự nhủ, ăn cái gì mà chả thiếu an toàn, thôi thì cứ khuất mắt trông coi. Thế nhưng khi có con trong bụng thì việc lựa chọn thực phẩm là cực kỳ quan trọng. Bản năng thôi thúc tôi phải cẩn thận với loại rau này, không dùng trái cây kia vì không rõ nguồn gốc. Mẹ tôi vào chăm con gái, mua rau đã lựa chọn kỹ, về nhặt sạch rửa ba lần nước sạch, ngâm thêm muối 30 phút mới dám chế biến mà tôi lúc đó lại chỉ thích ăn rau sống.
Từ thực phẩm an toàn cho gia đình
Công cuộc tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn cho hai mẹ con kéo dài đến khi tôi sinh con vào đầu năm 2012. Bởi sinh con rồi cũng phải tìm thực phẩm sạch ăn cho sữa tốt mà nuôi con, chưa kể sắp tới con ăn dặm cũng phải tìm được cho con ăn.
Và từ nhu cầu tìm thực phẩm an toàn cho gia đình mình, cùng với thông tin mà tôi có được từ việc tìm hiểu trên internet, tôi thấy rằng, thực phẩm hữu cơ là tiêu chuẩn cao nhất về an toàn thực phẩm và nông nghiệp hữu cơ sẽ mang đến rất nhiều lợi ích khác cho môi trường sống của con người. Tôi cũng tìm hiểu và thấy ở VN, đã có 1 số doanh nghiệp làm được sản phẩm hữu cơ như trà, gạo… nhưng chủ yếu để xuất khẩu. Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ mở một cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ, lấy hàng từ những người đang làm các sản phẩm xuất khẩu đó để cung ứng cho khách hàng có nhu cầu trong nước. Tôi mong mỏi mình sẽ làm ra 1 cửa hàng, nơi những gia đình, những bà mẹ mang thai, những ông bố quan tâm… sẽ có thể đến mua hàng cho gia đình họ, chứ không khó khăn như lúc tôi mang bầu.
Đến cửa hàng thực phẩm hữu cơ
Đầu năm 2013, một lần tình cờ đi qua đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), tôi nhìn thấy cửa hàng bán quần áo có biển cho thuê mặt bằng. Tôi thích ngay từ cái nhìn đầu tiên, bởi nó nhỏ nhắn, vuông vắn và gần ngay ngã tư, nơi có thể giúp tôi thu hút được chú ý của mọi người về thực phẩm hữu cơ. Gom hết tiền trong túi lúc đó được 5 triệu, vào đặt cọc với chủ nhà để giữ chỗ, hàng hoá sẽ tính sau.
Thuê được mặt bằng rồi, tôi vẫn đóng cửa để đó hai tháng trời để đi tìm nguồn hàng. Từ suy nghĩ đến khi thực hiện cũng mất khá nhiều thời gian bởi tìm thông tin khi đó, tôi chỉ thấy có 3 đơn vị tại VN đạt được chứng nhận hữu cơ quốc tế với các mặt hàng rất đơn điệu, hai trong số đó sản xuất trà, một gạo và chỉ có một số loại rau ôn đới. Trong lúc tưởng như bế tắc trong việc tìm kiếm nguồn rau hữu cơ, thì chúng tôi đã gặp may. Khi đó tôi đọc báo thấy có một giảng viên Đại học Kinh tế làm luận án thạc sỹ về mô hình trồng rau hữu cơ. Mà vườn của chị này trồng ngay cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi đã liên hệ với chị để lấy lại rau về bán.
Cửa hàng mở ra vào tháng 6-2013 với chỉ 5-6 loại rau trồng theo phương thức hữu cơ (quy mô của nhà cung cấp nhỏ vì họ chỉ làm để thực hiện luận văn), 4 loại gạo và 8 loại trà… Diện tích cửa hàng chỉ khoảng 25m2 mà thấy quá trống vắng. Sau đó hai tháng, chúng tôi tiếp một người khách tự xưng là chủ trang trại rau từ Đà Lạt và đang trồng theo hướng hữu cơ. Họ có ớt chuông, cà chua, một số loại xà lách cần bán. Mừng như vớ được vàng, chúng tôi hẹn gặp và lên thăm trang trại sau đó đem hàng về bán.
Thực lòng giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy mình quá khó khăn về nguồn hàng và những ngày đầu tiên đó, dù có lọc rất kĩ, tôi vẫn không thể quản lý hết được quy trình và chất lượng của sản phẩm rau củ. Vừa làm, tôi vừa tự tìm hiểu thực tế và rút kinh nghiệm.
Qua vài lần hợp tác với 1 số nông dân, tôi biết, mình không thể tiếp tục nếu mình cứ làm mà không định hướng rõ tiêu chuẩn và phải quản lý được tiêu chuẩn đó. Mọi mối quan hệ với nông dân khi đó chỉ dựa trên các nguyên tắc 5 không: không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu hóa học, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng và bảo quản, không giống biến đổi gen… Nhưng khi nông dân gặp vấn đề và cần trợ giúp, tôi cũng không có giải pháp cho họ. Vì thế, chỉ có hủy bỏ vườn khi cây bị sâu bệnh. Rất nhiều lần, tôi âm thầm mang các mẫu rau củ đi test, tiền bán hàng cũng không bù nổi số tiền tôi trả cho phòng thí nghiệm. Và tôi cũng biết, đây không phải là cách làm đúng.
Đầu tư làm trang trại
Tôi xác định phải tự đầu tư trang trại của riêng mình vừa để ổn định nguồn cung, vừa để lấy kinh nghiệm sau này hợp tác và hỗ trợ nông dân. Vì chỉ có đầu tư trang trại, tôi mới chủ động theo đúng mọi quy trình của canh tác hữu cơ và điều tôi mong mỏi, là trang trại sẽ đạt được chứng nhận hữu cơ quốc tế.
Tháng 8-2013, có dịp qua Lào, tôi rất thích thú được tham gia một phiên chợ hữu cơ (organic market) ngay cạnh chùa Vàng tại thủ đô Vientaine. Cứ mỗi thứ tư hàng tuần, những nông dân trồng rau hữu cơ (dưới sự hướng dẫn của các tổ chức phi chính phủ quốc tế) đem sản phẩm của họ đến để bày bán. Người mua khá đông và cả người nước ngoài lẫn người bản xứ. Chỉ đến 9-10 giờ là hàng hoá đã được bán hết. Khi ấy tôi tự hỏi, sao Lào nghèo hơn mình mà họ đã trồng được thực phẩm hữu cơ mà được ăn thực phẩm hữu cơ mà VN mình khó kiếm đến vậy.
Chính phiên chợ đã tiếp thêm ý chí và thúc đẩy tôi thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình là trở thành nhà phân phối thực phẩm hữu cơ tại VN. Nếu VN chưa có nhiều thực phẩm hữu cơ, chúng tôi sẽ đem về từ các quốc gia khác và đầu tiên sẽ là từ Lào. Tôi mua một số sản phẩm tại chợ Organic tại Vientaine để lấy thông tin. Tôi tìm được hai nhà cung cấp gạo, đậu và cà phê có trụ sở ở ngay thủ đô Lào. Vậy là kế hoạch đi Lào có chút thay đổi. Thay vì thăm thú đây đó, chúng tôi chỉ đi một vòng quanh chùa vàng rồi thuê một chiếc xe tuk tuk đến các nhà cung cấp nói trên. Sau hai ngày nói chuyện, chúng tôi đã mua gần như tối đa số trọng lượng mà hãng hàng không cho phép các loại đậu, gạo và cà phê hữu cơ của Lào về.
May mắn lại đến với tôi khi một người bạn là chủ trang trại ở Đồng Nai cho biết anh có một mảnh đất rộng 2ha ở Long Thành đã bỏ không cả chục năm nay. Trước đó đây là một trại nuôi gà, nhưng sau đó dân cư đến ở nên phải dời đi vì mùi hôi. Mảnh đất này có thuận lợi là gần đường giao thông, nhưng khi chúng tôi đến cũng thấy ngán vì cỏ mọc quá đầu người. Để biến thành trang trại trồng rau phải bỏ rất nhiều tiền đầu tư cải tạo. Người chủ đất động viên, cứ làm đi, tiền thuê đất tính sau.
Vậy là quyết định làm trang trại. Chúng tôi thuê máy cày cày tới 4 lần mới cắt hết được cỏ và lật được đất lên vì cỏ quá dày. Sau đó là dựng nhà lưới, tìm công nhân trồng rau, phân khu và bắt đầu chỉ với 2.000 m2 trước nhưng chúng tôi xác định ngay rằng sẽ biến trang trại rau này thành vườn rau đạt tiêu chuẩn organic quốc tế. Vì vậy, chúng tôi đã liên hệ với tổ chức cấp chứng nhận này để nhờ họ tư vấn cách làm ngay từ đầu. Sau khi xem địa thế, lấy mẫu đất nước đi phân tích đạt yêu cầu, họ đồng ý ký hợp đồng tư vấn hỗ trợ làm theo quy trình hữu cơ.
Vậy nhưng cũng phải mất hơn hai năm sau, đến tháng 11-2015, trang trại của chúng tôi mới được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận đạt chuẩn organic. Từng đó thời gian, tôi sống cùng với đủ các cung đoạn cảm xúc, khó khăn nhiều đến mức, sau này khi mọi người hỏi về khó khăn lớn nhất của tôi, tôi không biết trả lời sao. Mỗi khi nghĩ về những giai đoạn tôi đã trải qua tôi thấy nhiều khó khăn đến mức không muốn nhắc lại, thậm chí, đến mức tôi tưởng không có khó khăn nào lớn nhất vì tôi đang sống trong những khó khăn, tôi đã quen với khó khăn.Box:
Hơn ba năm kể từ khi bắt đầu mở cửa hàng đầu tiên, đến nay Organica vẫn dừng lại ở hai cửa hàng bán lẻ. Nhưng chúng tôi không chỉ có thế. Organica đã trở thành đơn vị đầu tiên cả nước có được hai chứng nhận quốc tế về organic cho vườn rau hữu cơ. Chúng tôi đã có một danh sách trên 500 mặt hàng organic trong cửa hàng, có thể nói là đa dạng và phong phú nhất trong các nhà cung cấp thực phẩm hữu cơ hiện tại. Và chúng tôi đang tìm thêm mặt bằng để mở một cửa hàng thứ ba và có thể là cửa hàng thứ tư nữa trong thời gian tới.
Đứng trên góc độ của 1 người tiêu dùng và góc độ của 1 người làm dịch vụ, tôi thấy việc bảo vệ người tiêu dùng là cần thiết, nhưng những người làm kinh doanh chân chính cũng cần được bảo vệ. Và không có cách nào tốt hơn cho những người kinh doanh như tôi là phải minh bạch thông tin. Cũng chính từ suy nghĩ đó, tôi quyết định thực hiện việc làm truy suất nguồn gốc cho tất cả các sản phẩm tại trang trại của mình thông qua tổ chức TraceVerified. Với việc làm này, mỗi mớ rau khi đến tay khách hàng sẽ có 1 mã QR, khi quét, khách hàng sẽ có các thông tin khá đầy đủ về quy trình trồng mớ rau đó, như ngày gieo hạt, ngày thu hoạch, số lô luống, vườn. Vẫn còn nhiều việc phải làm, và khi đã đỡ đau đầu hơn về nguồn hàng, thì lại đến lúc chúng tôi phải tìm cách làm sao để mang các sản phẩm đó đến được với nhiều người tiêu dùng hơn, và với những dịch vụ đi kèm tốt nhất có thể.
(Theo Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam)
Thực phẩm hữu cơ Organica là đơn vị đầu tư và phát triển các loại thực phẩm hữu cơ tại VN từ trang trại đến phân phối, bán lẻ và nâng cao nhận thức người tiêu dùng về thực phẩm hữu cơ. Chúng tôi cam kết đem đến cho khách hàng những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho sức khỏe.
Mời bạn ghé thăm cửa hàng trực tuyến của chúng tôi tại địa chỉ: www.thucphamhuuco.vn hoặc cửa hàng ở:
TP Hồ Chí Minh:
-Quận 1: 117 Nguyễn Thái Học, P. Cầu Ông Lãnh. Tel: 08.22530602
-Quận 3: 130 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6. Tel: 08.66733350
-Quận Phú Nhuận: 54 Hoàng Văn Thụ, Phường 9. Tel: 08.66850532
-Hotline-Bán hàng: 0932153535 - 0938400044
-Email: organica@organica.vn
-Fanpage: facebook/thucphamhuucoorganica
Đà Nẵng:
-90 Hải Phòng, Phường Hải Châu. Tel: 0511.366 4646.
-Fanpage: facebook/organicadanang