Trang chủ

25/6/13

Khoai tây Trung Quốc “biến mất” ở chợ

Một bài viết mới đây đăng trên báo Tuổi Trẻ cho biết, có hàng trăm tấn khoai tây Trung Quốc được đưa về các chợ đầu mối tại TPHCM mỗi đêm. Thế nhưng từ đây trở đi đến các chợ lẻ thì khoai tây Trung Quốc hoàn toàn biến mất. Người bán đã cố tình lập lờ nguồn gốc xuất xứ để đánh lừa người tiêu dùng. 

Thực phẩm hữu cơ Organica đã thử hỏi ở một số điểm bán lẻ và người ta cho biết chỉ có khoai tây trong nước chứ không có khoai tây Trung Quốc.

Organica xin đăng lại bài viết này cho các bạn tham khảo. Hãy lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc vì sức khỏe của chính bạn và gia đình.

Khoai tây Trung Quốc “biến mất” ở chợ


 Trong khi ở chợ đầu mối, khoai Trung Quốc vẫn về với lượng lớn thì tại chợ lẻ nhiều tiểu thương cho biết chỉ bán khoai Đà Lạt. Trong ảnh: chọn mua khoai tây tại chợ Bến Thành chiều 17-6 - Ảnh: T.T.D.

TT - Sau vụ việc 26 tấn khoai tây Trung Quốc “đội lốt” khoai Đà Lạt bị phát hiện và tiêu hủy do có dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép, tại các chợ lẻ ở TP.HCM khoai tây Trung Quốc đã “biến mất”.
Trong khi đó ở chợ đầu mối, lượng khoai Trung Quốc vẫn về ồ ạt.
Sự lập lờ nguồn gốc khoai tây Trung Quốc và khoai tây nội địa vừa gây thiệt hại về kinh tế, vừa tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe người tiêu dùng.
“Chỉ bán khoai Đà Lạt”
Chiều 17-6, chúng tôi đến chợ Võ Thành Trang (Q.Tân Bình, TP.HCM) hỏi mua vài ký khoai tây. Một tiểu thương tại đây khẳng định ngay chỉ bán khoai tây Đà Lạt, không có hàng Trung Quốc trà trộn. Với giá 30.000 đồng/kg, chủ sạp này cho biết mức giá này ổn định nhiều tháng qua vì lượng hàng nhập về khá dồi dào. Trong khi đó tại chợ Gò Vấp, tiểu thương tên Hoa cũng khẳng định chỉ bán khoai tây trong nước. Khi chúng tôi nhờ chỉ giúp cách phân biệt khoai tây Trung Quốc với khoai Đà Lạt, chị Hoa khẳng định ngay: “Khoai vỏ đỏ là khoai mình rồi, Trung Quốc làm sao có loại này được”.
Tương tự, tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM, các tiểu thương đều cho biết đã không còn bán khoai tây Trung Quốc nữa vì người tiêu dùng không ai mua. Hiện các chợ lẻ chỉ bán khoai tây Đà Lạt nhưng với mức giá khá rẻ, dao động 25.000-35.000 đồng/kg.
Điều khó hiểu là trong khi chợ lẻ khẳng định không bán khoai tây Trung Quốc thì mặt hàng này vẫn về các chợ đầu mối với khối lượng rất lớn. Riêng đêm 16-6, ban quản lý chợ Thủ Đức cho hay đã nhập vào chợ khoảng 30 tấn khoai tây Trung Quốc, nhiều gấp đôi lượng khoai tây Đà Lạt (chỉ có 15 tấn). Theo các tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức, mặt hàng khoai tây Trung Quốc nhập về chợ 30-40 tấn mỗi đêm, nhiều hơn khoai tây Đà Lạt. Chị Vy, tiểu thương ở chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết hiện lượng khoai Trung Quốc nhập về chợ vẫn ổn định, mức giá 10.000-12.000 đồng/kg, thậm chí vào cuối buổi chợ giá giảm còn 7.000-8.000 đồng/kg, trong khi khoai tây Đà Lạt giữ ở mức 20.000-25.000 đồng/kg.
Tại chợ đầu mối, các đại lý công bố khoai tây Đà Lạt và khoai tây nhập khẩu với giá cả rõ ràng để người mua lựa chọn. Vì đây là loại hàng được nhập khẩu nên các đại lý chỉ cần có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu từ hải quan là được đưa vào chợ bán. “Xuất xứ hàng hóa chỉ nói rõ lô hàng này nhập từ nước nào thôi, còn khi bán ra thì chúng tôi không có nhãn mác. Khi về các chợ lẻ tiểu thương có nói là khoai tây Trung Quốc hay không thì chúng tôi không rõ” - một đại lý tại chợ Thủ Đức cho biết.
Các tiểu thương ở chợ đầu mối cũng cho rằng hàng rau củ họ nhập khẩu về đã có chứng nhận của cơ quan chức năng tại cửa khẩu. Còn tại chợ thì việc kiểm định, kiểm tra chỉ mang tính thủ tục là chính vì khi xe về chỉ cần có đầy đủ giấy phép nhập khẩu từ hải quan. “Ban quản lý chợ có lấy mẫu vài bữa một lần nhưng không thấy trả kết quả. Hơn nữa, rau củ về bán ngay trong đêm nên nếu có vấn đề gì thì lô hàng đó cũng đã được bán đi” - một chủ sạp tại chợ đầu mối Hóc Môn khẳng định. Đại diện ban quản lý chợ Thủ Đức khẳng định ban quản lý chỉ kiểm soát lượng hàng nhập về, còn chất lượng thì chợ không có chức năng quản lý.

Nâng tần suất kiểm tra lên 30%
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 17-6, ông Nguyễn Xuân Hồng, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết việc phát hiện 26 tấn khoai tây ở Đà Lạt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép thì đối với các cơ quan chức năng cũng “không bất bình thường”.
Theo ông Hồng, quy định hiện hành về nhập khẩu nông sản, với bất kỳ lô hàng nông sản nhập khẩu nào cũng chỉ áp dụng biện pháp kiểm tra thông thường với xác suất quy định kiểm tra 1-10% lô hàng. Việc kiểm tra không chỉ ở cửa khẩu là xong, mà suốt hành trình của lô hàng vẫn chịu sự kiểm tra của các trạm, các cơ quan chức năng quản lý thị trường ở các chợ. “Tuy nhiên, không thể dễ phát hiện như gà lậu, gỗ lậu mà cần phải qua phân tích của cơ quan chức năng chuyên ngành” - ông Hồng nhấn mạnh.
Ông Hồng cho biết cơ quan chức năng đã nắm bắt được sự việc và đang thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhiều khả năng lô hàng 26 tấn khoai tây này được nhập qua cửa khẩu Lào Cai chứ không phải cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) như thông tin trước đó.
Theo ông Hồng, với lô hàng khoai tây phát hiện vi phạm vừa rồi, theo quy định lô hàng tiếp theo sẽ tăng tần suất kiểm tra lên 30% chứ không phải 1-10%. Nếu lô hàng tiếp theo không phát hiện vi phạm sẽ trở về mức kiểm tra 1-10% theo phương thức kiểm tra thông thường. “Ngược lại nếu vẫn phát hiện, sẽ áp dụng phương thức kiểm tra tối đa với tần suất 100% lô hàng” - ông Hồng cho hay.
DŨNG TUẤN - TRẦN MẠNH - Đ.BÌNH

Thương hiệu khoai Đà Lạt bị ảnh hưởng
Ngày 17-6, khi tiếp xúc với PV Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Nguyệt (P.12, TP Đà Lạt), là chủ 26 tấn khoai tây Trung Quốc bị cơ quan chức năng tiêu hủy, thừa nhận đã nhuộm khoai Trung Quốc trong hai năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ khoai Đà Lạt tăng mạnh thời gian gần đây. “Tại Đà Lạt, còn nhiều chủ vựa mỗi ngày bán đi vài chục tấn khoai tây Trung Quốc nhuộm đất đỏ. Không chỉ khoai tây mà còn cà rốt, cà chua. Nếu cơ quan chức năng để ý sẽ thấy hằng ngày không ít xe chở khoai tây đi từ Thủ Đức (TP.HCM) lên Đà Lạt rồi lại quay về chính nơi đã đi, chỉ có điều trên các củ khoai đã có đất đỏ. Đà Lạt thực tế chỉ là nơi gia công” - bà Nguyệt nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Thừa (chủ nhiệm HTX Anh Đào, Đà Lạt) cho rằng nếu tình trạng làm giả khoai tây Đà Lạt tồn tại lâu thêm nữa thì khoai tây Đà Lạt chất lượng tốt sẽ bị đánh đồng, nhiều người chưa từng được dùng khoai tây Đà Lạt chính hiệu sẽ lầm rằng tất cả là loại khoai giá rẻ, chất lượng kém. Hậu quả, thương hiệu khoai tây Đà Lạt sẽ mất đi. Thực tế giá trị khoai tây Đà Lạt bị giảm sút đã xuất hiện. Nếu như trước kia, thời điểm từ tháng 5 đến tháng 11, nguồn cung khoai Đà Lạt thiếu hụt, những nông dân đã tổ chức bảo quản bằng công nghệ mới sẽ thắng lớn. Nhưng hiện nay, sự tràn ngập của khoai tây Đà Lạt giả mạo đã khiến khoai chính hiệu không nhích giá được, người nông dân lỗ nặng chi phí bảo quản. Sẽ không lâu nữa, nông dân bỏ hẳn việc lưu kho, bảo quản mà chỉ canh tác theo thời vụ để bảo toàn vốn. Sáu tháng còn lại trong năm sẽ là thời điểm khoai tây Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường.
MAI VINH - CHÍNH THÀNH

 

4/6/13

Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm

Các bạn thân mến.

Ngày môi trường thế giới 5-6 đang đến gần. Đây là dịp để một lần nữa chúng ta cùng nhìn lại thế giới của chúng ta đã biến đổi ra sao trong thời gian qua, cuộc sống của chúng ta đã phát triển như thế nào cũng như môi trường sống của nhân loại đang trở nên quá mong manh.
Chủ đề của Ngày môi trường thế giới năm nay không đề cập đến những vấn đề quá vĩ mô, quá xa vời với nhiều người như biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất,... mà là thực phẩm, những thứ mà chúng ta ăn hàng ngày.




Sản xuất và tiêu thụ thực phẩm hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe con người và cộng đồng. Nhưng trên hết, tiêu dùng thực phẩm có trách nhiệm, có cân nhắc còn có ý nghĩa to lớn, đó là chúng ta có thể góp phần giúp đỡn hàng tỉ người trên thế giới mỗi ngày phải lên giường với cái bụng trống rỗng.

Hôm nay, Thực phẩm hữu cơ Organica xin giới thiệu đến các bạn Thông điệp toàn cầu nhân ngày Môi trường thế giới 5-6-2013 của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.




Chúng ta đang sống trong một thế giới mà việc sản xuất lương thực đã vượt qua nhu cầu sử dụng, tuy nhiên 870 triệu người suy dinh dưỡng và trẻ em mắc bệnh còi xương đang là những đại dịch thầm lặng. Để tạo ra một tương lai mong muốn, chúng ta phải điều chỉnh sự vô lý này.

Chúng ta phải đảm bảo quyền được tiếp cận chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho tất cả mọi người, tăng gấp đôi năng suất của những hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, những người đóng góp phần lớn thực phẩm cho sự phát triển của thế giới và làm cho hệ thống thực phẩm bền vững khi đối mặt với những biến cố về kinh tế và môi trường. Đây là tầm nhìn của chiến dịch “Không còn người bị đói” tôi đưa ra tại Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững Ri+20 năm 2011 vừa qua.

Có một cách để thu hẹp khoảng cách giữa nghèo đói và cải thiện phúc lợi xã hội của đối tượng dễ bị tổn thương nhất là giải quyết tốt vấn đề lãng phí và mất mát quá lớn thực phẩm. Hiện nay, ít nhất một phần ba sản lượng thực phẩm sản xuất ra đã không được sử dụng. Điều này là sự sỉ nhục quá lớn đối với những người nghèo đói, và nó cũng thể hiện rằng một chi phí môi trường rất lớn như năng lượng, đất và nước đã bị lãng phí.

Ở các nước đang phát triển thì sâu bệnh, cơ sở bảo quản, lưu trữ chưa đảm bảo và chuỗi cung cấp thực phẩm thiếu hiệu quả là nguyên nhân chính dẫn đến mất mát thực phẩm. Những người chú trọng phát triển xuất khẩu cũng thường quá chú trọng vào việc mẫu mã hàng hóa theo nhu cầu của khách hàng. Ở các nước phát triển, thực phẩm bị vứt bỏ bởi các hộ gia đình và ngành công nghiệp bán lẻ, lượng thực phẩm này sẽ sẽ bị thối rữa tại các bãi chôn lấp, giải phóng một lượng lớn khí metan (CH4), một loại khí nhà kính rất mạnh.

Sự mất mát và lãng phí thực phẩm là điều mà tất cả chúng ta đều có thể giải quyết được. Đó là lý do vì sao Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và các đối tác khác đã đưa ra chiến dịch “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” (Think.Eat.Save), là chiến dịch nâng cao nhận thức và tìm ra các giải pháp giải quyết vấn đề về lãng phí thực phẩm ở các nước phát triển và đang phát triển.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ có thể làm giảm lượng thực phẩm bị hư nát sau khi thu hoạch và trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Chính phủ các nước phát triển có thể cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu và tối đa hóa các cơ hội thương mại với các nước láng giềng; các nước phát triển có thể có thể hỗ trợ thương mại công bằng và hợp lý hàng hóa theo ngày và hệ thống ghi nhãn khác, doanh nghiệp có thể xem xét lại tiêu chí của họ để từ chối sản phẩm; và người tiêu dùng có thể giảm thiểu chất thải bằng cách chỉ mua những gì họ cần và sử dụng thực phẩm một cách triệt để.

Nhân Ngày Môi trường thế giới, tôi kêu gọi tất cả mọi người trong hệ thống thực phẩm toàn cầu hãy có những hành động vì môi trường bền vững và một xã hội công bằng. Dân số toàn cầu hiện nay có 7 tỷ người và dự kiến sẽ tăng lên 9 tỷ người vào năm 2050 nhưng số lượng người đói sẽ không được phép tăng. Bằng cách giảm sự lãng phí thực phẩm, chúng ta có thể tiết kiệm tiền và tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động môi trường và quan trọng hơn, hướng tới một thế giới mà mọi người đề có đủ thức ăn, không ai bị đói.

Thực phẩm hữu cơ Organica là Hệ thống phân phối thực phẩm hữu cơ và thực phẩm có chứng nhận đầu tiên tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết đem đến cho khách hàng những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Mời bạn ghé thăm cửa hàng trực tuyến của chúng tôi tại địa chỉ: www.shophuuco.com.


3/6/13

Vài nét về thị trường thực phẩm hữu cơ ở Nga

Hôm nay, Thực phẩm hữu cơ Organica xin giới thiệu đến các bạn các thông tin cơ bản về thị trường thực phẩm hữu cơ tại Nga. Cũng như tại Việt Nam, thực phẩm hữu cơ tại Nga cũng mới bắt đầu hình thành và phát triển. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu lạnh giá, sản xuất thực phẩm tươi sống tại Nga rất khó khăn nên phần lớn thực phẩm hữu cơ của Nga vẫn là nhập khẩu.

Tại Liên bang Nga, năm 2012, theo số liệu của Evromonitor international, trị giá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tăng trưởng 7,8% so với năm 2010, đạt 148 triệu USD. Theo dự báo của các chuyên gia, trong giai đoạn 2010 đến hết 2015, thì trường sản phẩm hữu cơ sẽ tăng tới 30%. Hiện nay, thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Nga, nhập khẩu chiếm tới 98%.





Thực phẩm hữu cơ (sản phẩm sinh thái hay sản phẩm sinh học), đó là những thực phẩm được được sản xuất theo quy định chuyên ngành không sử dụng hoặc hạn chế tối đa việc dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, chất kích thích, cũng như không sử dụng sản phẩm biến đổi gen. Nông nghiệp hữu cơ thực tế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Hiện nay, trên thế giới có  160 nước có nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, 84 nước đã có luật riêng của mình. Theo số liệu của Tổ chức thế giới về nông nghiệp hữu cơ (IFOAM), năm 2010, trị giá sản phẩm hữu cơ toàn thế giới đã đạt được 59 tỉ USD. Dự kiến, năm 2020, trị giá sản phẩm này sẽ đạt mức 200-250 tỉ USD.

Sản phẩm hữu cơ đắt hơn sản phẩm thông thường, vì sản xuất các sản phẩm này phải chi phí nhiều hơn, thường phải sử dụng lao động chân tay nên chi phí cao hơn so với các sản phẩm sản xuất theo phương pháp công nghiệp.
Những năm gần đây, ở Nga, cơ cấu thị trường tiêu dùng đã và đang thay đổi. Hiện nay, tới 45% người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thực phẩm hữu cơ. Tập trung chủ yếu vào những gia đình trẻ tuổi có con nhỏ, những người ăn kiêng, những người có lối sống lành mạnh, thường quan tâm đến sức khỏe của mình và của các trẻ nhỏ.

Về hoạt động cung cấp và tiêu thụ trên thị trường thực phẩm hữu cơ, ở Nga hiện nay có hai Hiệp hội chính. Đó là Hiệp hội hữu cơ quốc gia và Hiệp hội quốc gia hỗ trợ và phát triển nông nghiệp hữu cơ (còn gọi là Hiệp hội đất trồng hữu cơ). 

Hiệp hội quốc gia hỗ trợ và phát triển nông nghiệp hữu cơ được thành lập từ tháng 3 năm nay. Hiệp hội bao các doanh nghiệp nổi tiếng: “EkoNiva”, “Nazarjevskaya sloboda” thuộc tỉnh Razanskaya, “Chistaya eda” thuộc vùng Krasnodarky, “Trakenen” ở tỉnh Kaleningrad, các trang trại và hơn 20 chợ nông sản khác. 

Hiệp hội hữu cơ quốc gia được thành lập ngày 17 tháng 5 năm 2013. Bao gồm các tổ chức nông nghiệp có tiếng ở Nga: “AGRANTA” (Dự án nông nghiệp “Agrivolga”, hệ thống cửa hàng “OgranikMarket”, “Azbuka vkusa”, tập đoàn “Ogranik” (Nông nghiệp sinh thái “Spartak”, hệ thống cửa hàng “Bio-Market”) và “Arivera”.

Tại thời điểm này, Nga chưa có sơ sở lập pháp trong lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chưa có khái niệm chính thức về “sản phẩm hữu cơ” và cũng chưa có chuẩn mực cho loại hình sản phẩm này. Song, cuối năm 2012 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Nga đã có dự thảo luật và đang trong quá trình xem xét.

Nhóm hàng nông sản chiếm tỉ trọng đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hàng năm vào thị trường Nga. Thị trường hàng nông sản hữu cơ tại Nga rất tiềm năng, nhưng yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao và chặt chẽ hơn. Những yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sẽ được đưa vào khung khổ pháp lý. Đó là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng nông sản ra nước ngoài nói chung và vào Nga nói riêng trong thời gian tới./.
                       Nguồn: TTNN

Thực phẩm hữu cơ Organica là Hệ thống phân phối thực phẩm hữu cơ và thực phẩm có chứng nhận đầu tiên tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết đem đến cho khách hàng những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Mời bạn ghé thăm cửa hàng trực tuyến của chúng tôi tại địa chỉ: www.shophuuco.com.