Trang chủ

25/6/13

Khoai tây Trung Quốc “biến mất” ở chợ

Một bài viết mới đây đăng trên báo Tuổi Trẻ cho biết, có hàng trăm tấn khoai tây Trung Quốc được đưa về các chợ đầu mối tại TPHCM mỗi đêm. Thế nhưng từ đây trở đi đến các chợ lẻ thì khoai tây Trung Quốc hoàn toàn biến mất. Người bán đã cố tình lập lờ nguồn gốc xuất xứ để đánh lừa người tiêu dùng. 

Thực phẩm hữu cơ Organica đã thử hỏi ở một số điểm bán lẻ và người ta cho biết chỉ có khoai tây trong nước chứ không có khoai tây Trung Quốc.

Organica xin đăng lại bài viết này cho các bạn tham khảo. Hãy lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc vì sức khỏe của chính bạn và gia đình.

Khoai tây Trung Quốc “biến mất” ở chợ


 Trong khi ở chợ đầu mối, khoai Trung Quốc vẫn về với lượng lớn thì tại chợ lẻ nhiều tiểu thương cho biết chỉ bán khoai Đà Lạt. Trong ảnh: chọn mua khoai tây tại chợ Bến Thành chiều 17-6 - Ảnh: T.T.D.

TT - Sau vụ việc 26 tấn khoai tây Trung Quốc “đội lốt” khoai Đà Lạt bị phát hiện và tiêu hủy do có dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép, tại các chợ lẻ ở TP.HCM khoai tây Trung Quốc đã “biến mất”.
Trong khi đó ở chợ đầu mối, lượng khoai Trung Quốc vẫn về ồ ạt.
Sự lập lờ nguồn gốc khoai tây Trung Quốc và khoai tây nội địa vừa gây thiệt hại về kinh tế, vừa tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe người tiêu dùng.
“Chỉ bán khoai Đà Lạt”
Chiều 17-6, chúng tôi đến chợ Võ Thành Trang (Q.Tân Bình, TP.HCM) hỏi mua vài ký khoai tây. Một tiểu thương tại đây khẳng định ngay chỉ bán khoai tây Đà Lạt, không có hàng Trung Quốc trà trộn. Với giá 30.000 đồng/kg, chủ sạp này cho biết mức giá này ổn định nhiều tháng qua vì lượng hàng nhập về khá dồi dào. Trong khi đó tại chợ Gò Vấp, tiểu thương tên Hoa cũng khẳng định chỉ bán khoai tây trong nước. Khi chúng tôi nhờ chỉ giúp cách phân biệt khoai tây Trung Quốc với khoai Đà Lạt, chị Hoa khẳng định ngay: “Khoai vỏ đỏ là khoai mình rồi, Trung Quốc làm sao có loại này được”.
Tương tự, tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM, các tiểu thương đều cho biết đã không còn bán khoai tây Trung Quốc nữa vì người tiêu dùng không ai mua. Hiện các chợ lẻ chỉ bán khoai tây Đà Lạt nhưng với mức giá khá rẻ, dao động 25.000-35.000 đồng/kg.
Điều khó hiểu là trong khi chợ lẻ khẳng định không bán khoai tây Trung Quốc thì mặt hàng này vẫn về các chợ đầu mối với khối lượng rất lớn. Riêng đêm 16-6, ban quản lý chợ Thủ Đức cho hay đã nhập vào chợ khoảng 30 tấn khoai tây Trung Quốc, nhiều gấp đôi lượng khoai tây Đà Lạt (chỉ có 15 tấn). Theo các tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức, mặt hàng khoai tây Trung Quốc nhập về chợ 30-40 tấn mỗi đêm, nhiều hơn khoai tây Đà Lạt. Chị Vy, tiểu thương ở chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết hiện lượng khoai Trung Quốc nhập về chợ vẫn ổn định, mức giá 10.000-12.000 đồng/kg, thậm chí vào cuối buổi chợ giá giảm còn 7.000-8.000 đồng/kg, trong khi khoai tây Đà Lạt giữ ở mức 20.000-25.000 đồng/kg.
Tại chợ đầu mối, các đại lý công bố khoai tây Đà Lạt và khoai tây nhập khẩu với giá cả rõ ràng để người mua lựa chọn. Vì đây là loại hàng được nhập khẩu nên các đại lý chỉ cần có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu từ hải quan là được đưa vào chợ bán. “Xuất xứ hàng hóa chỉ nói rõ lô hàng này nhập từ nước nào thôi, còn khi bán ra thì chúng tôi không có nhãn mác. Khi về các chợ lẻ tiểu thương có nói là khoai tây Trung Quốc hay không thì chúng tôi không rõ” - một đại lý tại chợ Thủ Đức cho biết.
Các tiểu thương ở chợ đầu mối cũng cho rằng hàng rau củ họ nhập khẩu về đã có chứng nhận của cơ quan chức năng tại cửa khẩu. Còn tại chợ thì việc kiểm định, kiểm tra chỉ mang tính thủ tục là chính vì khi xe về chỉ cần có đầy đủ giấy phép nhập khẩu từ hải quan. “Ban quản lý chợ có lấy mẫu vài bữa một lần nhưng không thấy trả kết quả. Hơn nữa, rau củ về bán ngay trong đêm nên nếu có vấn đề gì thì lô hàng đó cũng đã được bán đi” - một chủ sạp tại chợ đầu mối Hóc Môn khẳng định. Đại diện ban quản lý chợ Thủ Đức khẳng định ban quản lý chỉ kiểm soát lượng hàng nhập về, còn chất lượng thì chợ không có chức năng quản lý.

Nâng tần suất kiểm tra lên 30%
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 17-6, ông Nguyễn Xuân Hồng, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết việc phát hiện 26 tấn khoai tây ở Đà Lạt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép thì đối với các cơ quan chức năng cũng “không bất bình thường”.
Theo ông Hồng, quy định hiện hành về nhập khẩu nông sản, với bất kỳ lô hàng nông sản nhập khẩu nào cũng chỉ áp dụng biện pháp kiểm tra thông thường với xác suất quy định kiểm tra 1-10% lô hàng. Việc kiểm tra không chỉ ở cửa khẩu là xong, mà suốt hành trình của lô hàng vẫn chịu sự kiểm tra của các trạm, các cơ quan chức năng quản lý thị trường ở các chợ. “Tuy nhiên, không thể dễ phát hiện như gà lậu, gỗ lậu mà cần phải qua phân tích của cơ quan chức năng chuyên ngành” - ông Hồng nhấn mạnh.
Ông Hồng cho biết cơ quan chức năng đã nắm bắt được sự việc và đang thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhiều khả năng lô hàng 26 tấn khoai tây này được nhập qua cửa khẩu Lào Cai chứ không phải cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) như thông tin trước đó.
Theo ông Hồng, với lô hàng khoai tây phát hiện vi phạm vừa rồi, theo quy định lô hàng tiếp theo sẽ tăng tần suất kiểm tra lên 30% chứ không phải 1-10%. Nếu lô hàng tiếp theo không phát hiện vi phạm sẽ trở về mức kiểm tra 1-10% theo phương thức kiểm tra thông thường. “Ngược lại nếu vẫn phát hiện, sẽ áp dụng phương thức kiểm tra tối đa với tần suất 100% lô hàng” - ông Hồng cho hay.
DŨNG TUẤN - TRẦN MẠNH - Đ.BÌNH

Thương hiệu khoai Đà Lạt bị ảnh hưởng
Ngày 17-6, khi tiếp xúc với PV Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Nguyệt (P.12, TP Đà Lạt), là chủ 26 tấn khoai tây Trung Quốc bị cơ quan chức năng tiêu hủy, thừa nhận đã nhuộm khoai Trung Quốc trong hai năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ khoai Đà Lạt tăng mạnh thời gian gần đây. “Tại Đà Lạt, còn nhiều chủ vựa mỗi ngày bán đi vài chục tấn khoai tây Trung Quốc nhuộm đất đỏ. Không chỉ khoai tây mà còn cà rốt, cà chua. Nếu cơ quan chức năng để ý sẽ thấy hằng ngày không ít xe chở khoai tây đi từ Thủ Đức (TP.HCM) lên Đà Lạt rồi lại quay về chính nơi đã đi, chỉ có điều trên các củ khoai đã có đất đỏ. Đà Lạt thực tế chỉ là nơi gia công” - bà Nguyệt nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Thừa (chủ nhiệm HTX Anh Đào, Đà Lạt) cho rằng nếu tình trạng làm giả khoai tây Đà Lạt tồn tại lâu thêm nữa thì khoai tây Đà Lạt chất lượng tốt sẽ bị đánh đồng, nhiều người chưa từng được dùng khoai tây Đà Lạt chính hiệu sẽ lầm rằng tất cả là loại khoai giá rẻ, chất lượng kém. Hậu quả, thương hiệu khoai tây Đà Lạt sẽ mất đi. Thực tế giá trị khoai tây Đà Lạt bị giảm sút đã xuất hiện. Nếu như trước kia, thời điểm từ tháng 5 đến tháng 11, nguồn cung khoai Đà Lạt thiếu hụt, những nông dân đã tổ chức bảo quản bằng công nghệ mới sẽ thắng lớn. Nhưng hiện nay, sự tràn ngập của khoai tây Đà Lạt giả mạo đã khiến khoai chính hiệu không nhích giá được, người nông dân lỗ nặng chi phí bảo quản. Sẽ không lâu nữa, nông dân bỏ hẳn việc lưu kho, bảo quản mà chỉ canh tác theo thời vụ để bảo toàn vốn. Sáu tháng còn lại trong năm sẽ là thời điểm khoai tây Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường.
MAI VINH - CHÍNH THÀNH

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét